Nền kinh tế trong nước phục hồi mạnh sau đại dịch, những chính sách mới của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển công nghiệp, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ rệt…, tất cả đang “vẽ” nên một bức tranh sáng sủa cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam. Nhưng để chớp lấy cơ hội này, các doanh nghiệp không thể “đi một mình”.
Tỷ lệ nhập khẩu linh kiện còn quá lớn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước hiện có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô…
Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp đang tập trung phát triển những sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…, tổng cộng 287 chi tiết, cụm chi tiết, đạt tỷ lệ khoảng 20%.
80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Tình trạng nhập khẩu phần lớn linh kiện đã khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Thái Lan có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1, 1.700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Con số này gấp 10 lần Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Điều này khiến chi phí lắp ráp xe trong nước tại Thái Lan rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam. Ví dụ, đối với sản phẩm nắp bình xăng, chi phí sản xuất tại Thái Lan chỉ 1,5 USD, còn tại Việt Nam là 3,8 USD.
Một trong những lý do giúp Thái Lan từ một nước có ngành công nghiệp ô tô “teo tóp” vươn lên vị trí số một Đông Nam Á nằm ở chính sách “cởi mở” hơn về tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, nước này đã bãi bỏ những quy định lỗi thời về tỷ lệ nội địa hóa ô tô từ năm 1997. Trong khi đó, Việt Nam mới chính thức bãi bỏ quy định này từ ngày 1/10/2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan chỉ tập trung hỗ trợ sản xuất linh kiện, liên minh với các hãng sản xuất lớn trên thế giới để đón nguồn vốn FDI từ nước ngoài, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Nhật Bản.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhìn nhận, các cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng tại Việt Nam mặc dù đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ, phù hợp và đạt hiệu quả trên thực tế.
Mặc dù vậy, con đường để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ không giống Thái Lan, thay vào đó, cần có các chính sách bảo vệ thị trường trong nước như xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tiếp tục triển khai quy hoạch và hệ thống các cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trên cả nước, khuyến khích các vùng miền, địa phương giao thương hàng hóa với nhau.
Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng linh kiện trong nước
Một chiếc ô tô thông thường có khoảng 30.000 chi tiết cấu thành, gói gọn chủ yếu trong 3 bộ phận chính là ngoại thất, nội thất và động cơ. Sẽ không có một hãng xe nào, một quốc gia nào tự sản xuất hoàn toàn 100% từ linh kiện trong nước. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng là tham gia sâu hơn vào các chi tiết, linh kiện chính của ô tô.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới xây dựng một mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm trên phạm vi toàn quốc và xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị trong nước luôn ổn định, giữ vững; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ôtô tại Việt Nam.”.
Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như THACO, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
Bà Chu Thị Nga, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng cho biết: “Khi chúng tôi hợp tác với Toyota để cung ứng các sản phẩm từ nhựa, silicon, ngoài việc đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam thì sản phẩm đó còn phải đáp ứng tiêu chuẩn 5S của Toyota. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các tập đoàn lớn như vậy để tạo ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao nhất”.
Tại Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số – Hướng tới mô hình sản xuất thông minh (VIMEXPO 2022) mới đây, đại diện Công ty Toyota Việt Nam (TMV) nhận định, ngành sản xuất linh kiện tại Việt Nam có lợi thế là chất lượng tốt, chi phí nhân công thấp, tiết kiệm chi phí với với linh kiện nhập khẩu. Mặc dù vậy, vẫn còn những điểm bất lợi cần được khắc phục như: quy mô sản xuất nhỏ, công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa) chưa thực sự nổi trội, trình độ kỹ thuật nhân công còn thấp và thiếu kinh nghiệm quản trị.
“Nỗ lực của TMV trong những năm qua đó là tăng cường nội địa hóa bằng việc “cùng làm việc với nhà cung cấp” để từng bước phát triển năng lực của họ tại Việt Nam. Điều này thể hiện bằng việc chúng tôi tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, sau đó hỗ trợ đào tạo theo Phương thức Toyota và hỗ trợ trong khâu quản lý sản xuất”, ông Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh, Công ty Toyota Ô tô Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp “yên tâm” hơn khi đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh rất cần đến những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn nữa từ Chính phủ như: hỗ trợ chi phí đầu tư, giảm thuế, hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết lập mạng lưới kết nối nhà sản xuất ô tô với nhà cung cấp nhằm tối ưu hóa sản xuất…
Bên cạnh đó, cần sớm có quy định mới tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô sau khi Thông tư 11/2022/TT-BKHCN chính thức có hiệu lực thi hành để các nhà sản xuất có cơ hội hưởng ưu đãi thuế 0% theo ATIGA.
Theo VnEconomy
Quan tâm và muốn tìm hiểu khóa học sửa chữa ô tô tham khảo ngay tại Đây: