Khi điểm sàn của nhiều trường đại học (ĐH) đang công bố ở ngưỡng 14-15 điểm cho 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển, thì nhiều trường Cao đẳng (CĐ) nghề đã tuyển được những thí sinh đạt 26-27 điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy những tín hiệu vui về việc lựa chọn con đường lập nghiệp của các bạn trẻ.
Nghịch lý cử nhân thất nghiệp
Theo số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý, hàng năm của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số người tốt nghiệp ĐH trở lên thất nghiệp chiếm một tỷ lệ cao.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 2,39%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 2,05%. Trong quý II, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước ở mức 2,32%, giảm so với con số này trong quý I là 2,46%.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước song đây vẫn là một tỷ lệ cần cải thiện.
Tình trạng thất nghiệp thường cao hơn hẳn ở khu vực thành thị, trong khi vấn đề thiếu việc làm lại là phổ biến ở khu vực nông thôn. Về phân bổ tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy nhóm những người có trình độ CĐ và ĐH trở lên thường có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và những người có trình độ sơ cấp nghề và chưa từng đi học có tỷ lệ thấp nhất.
Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Cụ thể, thống kê cho thấy hàng năm có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp, có khoảng 1/2 không có việc làm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây hoàn toàn không phải do chất lượng đào tạo kém mà do sự bất hợp lý về cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Người học ĐH nhiều hơn người học nghề, thì thất nghiệp là điều chắc chắn.
Trước đó, ông Lợi từng có một phát biểu tại một cuộc tọa đàm rằng: “Có 3 bằng ĐH nhưng vẫn thất nghiệp”.
Dù khẳng định việc một người có 3 bằng ĐH nhưng vẫn thất nghiệp là rất ít, nhưng ông Lợi cho rằng cần nêu ra thực trạng này để cùng trao đổi, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục. Điều này phản ánh không phải cứ học ở trình độ cao, nhiều bằng cấp là có được việc làm tốt.
Từ phía các trường, khảo sát hàng năm cho thấy tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng luôn rất cao, trên 85%, thậm chí có khoa, có trường trên 95%. Nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của những con số này có thực sự phản ánh đúng tình trạng cử nhân sau tốt nghiệp ĐH?
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, khi đi kiểm định chất lượng giáo dục của nhiều chương trình của các trường ĐH, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp thống kê cao nhưng có một vấn đề đặt ra đó là công việc ở mức lao động trình độ thấp, không tương xứng với trình độ ĐH, rất lãng phí.
Như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở tỷ lệ thất nghiệp mà câu chuyện đặt ra đó là cử nhân sau tốt nghiệp tham gia vào lĩnh vực nào, có đúng ngành nghề được đào tạo, có tương xứng với công sức đào tạo 4-5 năm trong trường ĐH?
Thay đổi tư duy bằng cấp
Em Nguyễn Mạnh Cường – Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi Cường có điểm thi tốt nghiệp 3 môn khối A là 23 điểm. Tuy nhiên, từ trước khi có kết quả thi, em đã có lựa chọn cho riêng mình khi đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào Trường CĐ Bách khoa Hà Nội.
Cường chia sẻ, bố mẹ em đều làm nông nghiệp nên em muốn chọn trường có học phí hợp lý, đào tạo tốt để sớm thành nghề, ra trường có việc làm luôn giúp cho kinh tế gia đình, sau đó có điều kiện sẽ đi học tiếp.
“Nhà em ở gần khu công nghiệp nên nhiều bạn sau khi tốt nghiệp THPT đã đi làm công nhân và thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu làm việc không qua đào tạo em nghĩ rằng sẽ khó phát triển đường dài nên em muốn học cao đẳng để có kiến thức, kỹ năng, không phải vì bằng cấp” – Cường chia sẻ.
Chọn học ĐH hay học nghề, hay tham gia thị trường lao động ngay mà không qua đào tạo là những con đường khác nhau đặt ra cho mỗi thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Sự lựa chọn nào cũng có những lý do riêng phụ thuộc vào quan niệm, suy nghĩ cũng như hoàn cảnh gia đình, khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, một thực tế ở Việt Nam đó là lối mòn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người đó là học hết cấp nhỏ thì lên cấp lớn hơn, mặc định xong phổ thông thì phải học ĐH, còn mục đích là gì thì cứ tính sau đã.
Học ĐH nhưng không biết lý do là gì nữa. Học xong cũng mờ mịt về tương lai. Đó là thực trạng với nhiều sinh viên ĐH hiện nay khi các em không xác định được sở thích, năng lực của bản thân, chọn trường theo phong trào, theo nguyện vọng của cha mẹ, thậm chí là theo bạn bè mà không tìm hiểu kỹ sự phù hợp của ngành nghề với bản thân, dẫn đến thiếu sự chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên, ngành học, để đến khi ra trường vẫn mông lung và… thất nghiệp!
Mỗi mùa tuyển sinh, các chuyên gia luôn nhấn mạnh với các thí sinh về định hướng nghề nghiệp, xác định rõ lộ trình phát triển bản thân. Đừng chạy theo những ngành nghề “hot” chỉ được hướng dẫn lý thuyết mà thiếu thực hành dẫn đến tình trạng: “Dù đã được đào tạo nhưng sau khi ra trường lại không biết làm gì”.
Bên cạnh đó cần thay đổi tư duy về việc học ĐH hay học nghề bởi từ thực tế tuyển dụng cho thấy, nhà tuyển dụng không còn coi trọng bằng ĐH hay trường nghề mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Nghĩa là, năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc bạn có được lựa chọn hay không chứ không phải tấm bằng bạn sở hữu.
Theo TS Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), các trường nghề hiện nay thiết kế chương trình 30% lý thuyết, 70% thực hành với hình thức đào tạo cầm tay chỉ việc nên học viên sẽ nắm được kiến thức, vận dụng ngay vào những bài tập được mô phỏng dựa trên công việc thực tiễn. Với thời gian đào tạo rút ngắn hơn nên người học có thể tham gia vào thị trường lao động sớm, có thu nhập ổn định và tiếp tục học cao lên nếu có nhu cầu. Khi đã nắm vững công việc thực tế, những kiến thức sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.
Nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố then chốt
Để giảm bớt số lượng cử nhân thất nghiệp, để sinh viên có thể tìm, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác thì yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt.
Chất lượng phải phù hợp với mục tiêu, mục tiêu cụ thể nhất ở đây là sinh viên tốt nghiệp có thể được tuyển dụng làm đúng ngành nghề đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ sở đào tạo phải thực tế và quyết liệt hơn trong việc gắn kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ khâu xác định chuẩn đầu ra, thiết kế nội dung, quy trình, phương pháp và huy động sự liên kết tham gia các công đoạn đào tạo của bên sử dụng lao động.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì việc hợp tác liên kết thực hiện các công đoạn đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp nước ngoài (có ngành nghề tương ứng phù hợp) là phương án khả thi đã được một số trường ĐH và CĐ thực hiện.
TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội:
Chọn trường cần quan tâm học phí thấp, cơ hội việc làm cao
Thí sinh cần cân nhắc về cơ hội việc làm trong 4 năm tới, trong đó nên cân nhắc về việc nên chọn học ở đâu học phí thấp, cơ hội việc làm cao chứ không nên chạy theo ngành nghề hot hay quá coi trọng bằng cấp mà bỏ qua yếu tố thực tế về năng lực, điều kiện tài chính của gia đình.
Xã hội việc làm hiện nay rất đa dạng với hàng nghìn nghề. Trong hàng nghìn nghề đó không phải nghề nào cũng cần kiến thức văn hóa chuyên sâu. Không phải nghề nào cũng cần tới trình độ ĐH.
Khi vào các cơ sở giáo dục nghề, trường phải có trách nhiệm đào tạo cho người học cả trình độ văn hóa và đặc biệt là nghề nghiệp. Để trong cùng thời gian học tập đấy họ cũng có thể lập thân lập nghiệp một cách nhanh chóng bằng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp thành thạo được đào tạo tại trường CĐ.
Họ sẽ nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động, đồng thời khởi nghiệp cũng như làm giàu cho chính bản thân họ. Đó là một hướng đi rất tốt để giải quyết bài toán phân luồng sau THCS hiện nay cũng như hướng đi cho học sinh sau tốt nghiệp THPT.
Theo Báo Đại Đoàn Kết
Bằng cấp đang không còn là yếu tố quyết định cho tương lai có việc làm ổn định. Chủ động chọn cho mình 1 khóa học nghề – học nhanh,, đảm bảo học xong làm được việc ngay, cam kết giới thiệu việc làm cho học viên sau khi hoàn thành khoá học: Khoá học sửa chữa ô tô toàn diện