Lượng xe tiêu thụ tăng mạnh, việc nhiều mẫu xe được đưa vào lắp ráp trong nước là đòn bẩy thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam phát triển, kiện toàn về chất lượng, sản lượng và tối ưu giá bán, tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu.
Động lực mới cho công nghiệp hỗ trợ
Với doanh số bán ô tô vượt qua mốc 500.000 xe trong năm 2022, Việt Nam đã không còn là thị trường nhỏ, bởi doanh số bán này đã gần gấp đôi so với thị trường Philippines và khoảng cách với Thái Lan cũng thu hẹp hơn.
Từng được kỳ vọng tạo ra ngành công nghiệp mới khi có nhiều thương hiệu ô tô lớn trên thế giới đổ bộ vào Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô thời gian qua cũng gặp thách thức do quá nhiều mẫu xe, sản lượng của từng mẫu còn nhỏ và phân tán, khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.
Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam mới chỉ làm các khâu lắp ráp và đầu tư vào một số khâu hoàn thiện như dập vỏ, sơn… Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp ô tô kiên trì phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nhằm chủ động nguồn cung, giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mới nhất là sự kiện Toyota Việt Nam chính thức đưa vào dây chuyền sản xuất 2 mẫu xe là Veloz Cross và Avanza Premio từ ngày 28/12/2022, thay cho việc nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia như thời gian qua.
Được biết, Toyota Việt Nam cũng đã tốn nhiều thời gian và công sức để được phép lắp ráp 2 mẫu xe này tại Việt Nam, bởi Indonesia – nơi cung cấp các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc cho Việt Nam – cũng muốn gia tăng sản lượng xe sản xuất nhằm hậu thuẫn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ sẵn có.
Trước đó, từ tháng 3/2022 tới hết tháng 11/2022, đã có 3.248 xe Avanza và 12.876 xe Veloz được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia để bán trên thị trường Việt Nam.
Tại buổi lễ xuất xưởng, khách mời đã được sờ tận tay các chi tiết, phụ tùng được làm tại Việt Nam cũng như vị trí được lắp cụ thể của các phụ tùng trên 2 mẫu xe này.
Có tổng cộng có 237 chi tiết của xe Veloz Cross và Avanza Premio được sản xuất bởi 30 nhà cung cấp tại Việt Nam. Lãnh đạo Toyota Việt Nam cho rằng, đây là cột mốc quan trọng, khẳng định mạnh mẽ cam kết thúc đẩy sản xuất trong nước, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước.
Với việc có thêm 2 mẫu xe đa dụng MPV được lắp ráp trong nước, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc, gồm Vios, Innova, Fortuner (máy dầu), Veloz Cross và Avanza Premio.
Danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, với tổng sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng của Toyota Việt Nam đạt trên 40%, nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành đạt được là khoảng 20%.
Để đạt được tỷ lệ nội hóa trên, Toyota Việt Nam đã luôn nỗ lực và tích cực tìm kiếm và hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước, giúp họ nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu chất lượng của Toyota để không chỉ cung cấp cho Toyota Việt Nam, mà còn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của thương hiệu này.
Nhìn rõ nhược điểm để khắc phục
Nhìn chung, việc giá thành linh kiện sản xuất trong nước cao hơn so với linh kiện tương tự được sản xuất tại nước ngoài là một rào cản cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Lý do khiến sức cạnh tranh về giá của linh phụ kiện sản xuất ở Việt Nam còn thấp là do sản lượng thấp vì quy mô thị trường nhỏ.
Đơn cử, sản lượng một mẫu xe trung bình của Việt Nam là 7.000 chiếc, thì tại Thái Lan là 28.000 chiếc và Indonesia là 21.000 chiếc. Cũng chỉ có một vài mẫu xe ở thị trường Việt Nam có thể đạt được sản lượng sản xuất 20.000 xe/năm, trong đó có Toyota Vios. Bởi vậy, Vios cũng là sản phẩm ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Không chỉ ảnh hưởng bởi sản lượng, ngành công nghiệp hỗ trợ còn chịu tác động từ các yếu tố như năng lực quản lý chất lượng, cắt giảm chi phí và giao hàng kém. Bên cạnh đó, các khâu đầu vào, như máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu… cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đều phải nhập khẩu, dẫn tới giá thành cao.
Các chuyên gia thẳng thắn cho rằng, lợi thế của các nhà cung ứng ở Việt Nam hiện nay so với các nhà cung ứng từ nước ngoài là lao động có tay nghề, chi phí lao động thấp và do ở ngay tại Việt Nam, nên chi phí vận chuyển đến nhà máy lắp ráp ô tô rẻ. Tuy nhiên, bất lợi của nhiều nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng thấp do dung lượng thị trường nhỏ; kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp còn hạn chế; nhiều nguyên phụ liệu chất lượng cao như thép, nhựa… phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm tạo ra nơi làm việc an toàn, sản phẩm chất lượng cao và chi phí cạnh tranh.
Sau giai đoạn mời gọi các nhà sản xuất trong hệ thống của Toyota toàn cầu đến Việt Nam đầu tư nhà máy, từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các nhà cung cấp Việt Nam, qua đó, giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.
Vào tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã ký Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô, triển khai trong năm 2022 – 2023. Đây cũng là năm thứ ba, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Danh sách các nhà cung cấp nội địa tiềm năng về phụ tùng linh kiện ô tô tại Việt Nam đã được Toyota Việt Nam xây dựng, tiến hành phân loại và đưa ra kế hoạch hỗ trợ thích hợp. Riêng trong năm 2022, đã có 4 nhà cung cấp được lựa chọn, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH một thành viên Cao su 75, Công ty cổ phần Công nghiệp Kim Sen.
Nói về kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 45% vào năm 2025 theo định hướng của Toyota và Chính phủ Việt Nam đặt ra, đại diện Toyota Việt Nam cho hay, Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà cung cấp, tăng cường quản lý chất lượng…, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo Báo đầu tư
Điều này cho thấy ngành ô tô của Việt Nam sẽ cực kỳ phát triển trong những năm tới, kéo theo đó nghề sửa chữa ô tô sẽ phát triển và cần rất nhiều nhân lực cho nghề. Ngay bây giờ, hãy đăng ký học tại VATC để trở thành một kỹ thuật viên ô tô toàn diện: https://pke.to/gOw2My