Kỹ năng đầu tiên trong công việc dành cho các bạn sinh viên ô tô
Làm như thế nào để “bán mình cao giá trong ngành ô tô” là câu hỏi mà đại đa số các sinh viên mới ra trường đều muốn giải đáp, bài viết dưới đây sẽ nêu ra 1 số cách thức nhằm gửi tặng các bạn sinh viên đang đi theo ngành ô tô biết làm thế nào để nâng cấp năng lực nhằm tăng giá trị của bản thân.
Làm như thế nào để “bán mình cao giá trong nghề ô tô”? Như thế nào là “bán mình cao giá trong nghề ô tô”? Giá trị bản thân đáng giá ra sao trong nghề ô tô đã lựa chọn? Là những câu hỏi mà các sinh viên ô tô hay các KTV ô tô đặt ra và bản thân mình cũng đã từng nằm trong đấy.
Chỉ cần bạn chăm chỉ và cố gắng, sau nhiều năm đèn sách tới trường nhất định bạn sẽ có tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Nhưng kể từ sau thời gian tốt nghiệp đó, mọi thứ dường như trở nên khó khăn và trật khớp hoàn toàn với những dự tính của bạn trước đây.
Khi cuộc sống ngoài kia không chỉ đơn giản như cái cách bạn hàng ngày đến trường, nó khốc liệt hơn, tàn nhẫn hơn, liên tục đào thải và đòi hỏi bạn cần có kỹ năng, kết hợp với sự khôn khéo của mình để ngày, từng ngày có thể vươn lên được.
Dưới đây sẽ là 1 số trường hợp, mà đại đa số các sinh viên ra trường sẽ gặp mà trung tâm VATC đã chia sẻ bởi anh Nguyễn Thanh Đàm – Người sáng lập cộng đồng ô tô Việt Nam:
Các trường hợp gặp phải của sinh viên ô tô
– Một số bạn do gia đình và bản thân không quen biết ai trong ngành ô tô nên đành phải tự mình cố gắng, tìm hiểu nhưng rồi cuối cùng mọi thứ cũng chẳng tới đâu. Mỗi ngày trôi qua đều cảm thấy áp lực mệt mỏi, dẫn tới chán chường và cuối cùng là phó mặc tất cả, như nào cũng kệ, tới đâu thì tới.
– Với 1 số bạn có tính cách năng động và tự lập sớm sẽ dựa vào những mối quan hệ của bản thân, để có thể cố gắng xin cho mình 1 công việc yêu thích, miễn là có thể tự lập, nuôi sống bản thân mình trước.
– Với 1 số người đã tìm tòi, chuẩn bị trước khi theo ngành thì hầu hết đã có những hướng đi rõ ràng cho bản thân mình. Thậm chí có 1 số bạn còn vừa đi học, vừa tranh thủ xin đi làm thêm những công việc liên quan tới nghề nhằm chuẩn bị thêm những kiến thức “cứng” sau khi ra trường của mình.
– Với số ít những bạn may mắn và cũng nhờ phần lớn sự cố gắng của bản thân, với tấm bằng giỏi trên tay sau khi ra tường, đã được nhận ngay vào nơi làm mà mình mong muốn, công việc mà mình yêu thích với mức lương đáng để cố gắng.
– Cũng có 1 số bạn theo học ngành này là chỉ để cho có tấm bằng trong tay, sau khi ra trường thì đã có công việc sẵn bởi những mối quan hệ của gia đình, hoặc thậm chí là thừa hưởng cả cơ ngơi của chính gia đình mình để lại…
– Tệ nhất là đối với 1 số bạn, trước, trong và sau chọn ngành này, vẫn không thể xác định tương lai mình muốn làm gì, nên làm gì. Để rồi sau khi ra trường không thể xác định được đâu là công việc mình có thể làm, và nên làm gì bởi công việc về ngành này quá phong phú, cuối cùng mất trắng nhiều năm học hành và đi theo con đường khác…
Bản thân mình cũng chẳng được quá may mắn nhưng bù lại, nhờ chính sự nỗ lực tìm hiểu, không ngừng lùi bước trước những vấp ngã trên và các mối quan hệ của chính mình tạo nên để giờ đây có được 1 công việc mà bản thân mình cảm thấy ưng ý, không quá gò bó bởi thời gian và số tiền mình nhận được đúng với những gì mình bỏ ra.
Khi bạn đã đọc tới đây rồi thì khoan vội đi, vì dưới đây mình sẽ nêu rõ chiến lược để bán mình cao giá dành cho những bạn “trót dại” theo ngành ô tô mà bản thân mình đã trải qua, biết đâu sẽ giúp ích được cho bạn.
Bộ chiến lược này sẽ gồm 9 phần sắp xếp theo trình tự cụ thể:
- Học cách yêu ngành ô tô
- Tự tạo cho mình những điều luật để vượt qua mọi cám dỗ hay thử thách sau này
- Xác định được hướng đi và theo đuổi nó đến cùng
- Rèn luyện thêm kỹ năng để tạo nên lợi thế cho bản thân
- Hiểu được bản thân có những gì và đầu tư mạnh cho nó
- Tìm hiểu thêm về công nghệ liên quan – đòn bẩy giúp gia tăng giá trị bản thân
- Tạo các mối quan hệ có lợi cho cả 2 bên – dễ dàng sử dụng những giá trị của bản thân
- Đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn – nâng cao giá trị của bản thân
- Làm thuê chuyên nghiệp – nâng cao tối đa giá trị của bản thân
Bởi cả bài viết quá dài nên mình sẽ tách ra từng bước 1, và ở bài viết này mình sẽ nêu rõ chiến lược 1.
CHIẾN LƯỢC SỐ 01: HỌC CÁCH YÊU NGÀNH Ô TÔ
Tôi đoán có khá nhiều bạn vào học ngành này do tác động bởi bên ngoài chứ không phải là do mong muốn và đam mê từ chính bản thân như: Từ ông anh trong xóm, từ gia đình hay thậm chí nhiều bạn có sở thích về xe cộ nên chọn ngành này.
Nhưng đại đa số đều không hiểu rõ về ngành mình đang theo sau này sẽ làm gì, bởi vậy sau khi vào học, rất nhiều bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi khi suốt ngày tới lớp đều phải đâm đầu vào học các môn như toán, lý, hóa và thêm các môn xã hội, không hề đúng như những gì mình nghĩ dẫn tới bỏ cuộc.
Cũng có 1 số bạn vì lỡ theo nên đành phải ngậm ngùi cố gắng, học tới lúc ra trường để cầm được tấm bằng trên tay rồi tới đâu thì tới.
Bản thân mình cũng vậy, khi quyết định chọn ngành này không vì sở thích hay mong muốn, chỉ nghĩ là học ngành này sau này sẽ có 1 công việc với 1 mức lương cao để có 1 cuộc sống dư giả và thoải mái.
Sau năm đầu tiên, mình cảm thấy cũng cực kỳ chán nản vì cảm thấy những gì mình học cũng chẳng khách gì những năm cấp 3, và quan trọng hơn hết môi trường học ở đây thực sự khá là buồn chán vì chỉ toàn là “đực rựa” mới theo trường này….
Bởi vì kinh tế gia đình không được khá giả, nên bản thân đành ngậm ngùi cố gắng tiếp tục nếu như không muốn bỏ phí thời gian cũng như tiền bạc đã bỏ ra.
Trong thời gian này, có khá nhiều bạn không có đủ kiên trì và động lực nên bắt đầu lung lay suy nghĩ và tìm kiếm những mục tiêu khác cho mình từ bạn bè, từ những khóa học đào tạo kỹ năng sống, từ các trường nghề ngắn hạn với những hứa hẹn về công việc nhẹ nhàng lương cao hay thậm chí là những thông tin trên mạng, bán hàng đa cấp hay những clip không có tính xác thực thì việc bỏ cuộc là điều khó có thể tránh khỏi.
Lúc này, bạn càng ngày càng cảm thấy chênh vênh và tìm những lý do đó ngụy biển cho bản thân mình. Bạn cảm thấy không còn chút động lực nào để tiếp tục, việc tới trường với bạn giờ đây thực sự là mệt mỏi và bạn bắt đầu tự cho phép bản thân mình buông thả.
Những lần điểm danh và các kỳ thi diễn ra liên tục và bạn không thể theo kịp, cuối cùng dẫn tới nợ môn, làm chậm tiến độ ra trường của bạn và cũng có khá nhiều trường hợp nghỉ học (bản thân mình cũng từng trải qua hầu hết những cảm giác này).
Bản thân mình có lời khuyên cho các bạn có những ý định như bỏ học, chuyển ngành học hay khởi nghiệp bằng cách bắt đầu lại từ những điều khác là 1 điều cực kỳ không nên. Bởi vì, bước khởi đầu khi nào cũng là thời điểm khó khăn, không chỉ mỗi ngành ô tô, mà bất kể điều gì cũng vậy.
Còn “đam mê”, nó là 1 khái niệm cực kỳ mơ hồ, đôi khi nó được hình thành trong suốt quá trình mình theo đuổi 1 điều gì đó, cũng có thể bạn biết rõ điều đó là gì nhưng điều kiện bản thân không cho phép bản thực hiện nó.
Điều bạn nên làm là cố gắng thực hiện những điều gì cần thiết trước và nhà trường là nơi giúp bạn có thể thực hiện nó 1 cách thiết thực nhất. Nếu các bạn bỏ qua điều này thì các bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại trên con đường bạn muốn bước đi tiếp theo.
Để có thể vượt qua được quãng thời gian chênh vênh này chỉ có 2 cách.
– Một là: bạn bỏ cuộc ngay để bắt đầu tìm con đường mới mà mình thực sự mong muốn. Như mình nói trên, đây là 1 quyết định thiếu tính khôn ngoan, cái đầu tiên ai cũng có thể nhìn ra đó là bạn đã lãng phí thời gian cũng như tiền bạc mà bạn và gia đình bạn bỏ ra. Thậm chí còn đường tiếp theo bạn đã chưa chắc đã như bạn mong muốn.
– Thứ 2 là: bạn phải học cách yêu điều bạn đang làm, nếu bạn không biết phải làm thế nào thì mình sẽ cho bạn 1 vài thông tin và gợi ý:
+) Đại đa số các trường đại học, hay thậm chí là cao đẳng hay trung cấp. Thì đại đa số đều có 1 quy trình đào tạo “na ná” nhau. Vậy nên việc quyết định dừng lại và chuyển sang ngành khác thì việc bắt đầu nó cũng không khác là mấy so với những gì bạn đã trải qua.
+) Ngành ô tô bạn đang theo học sẽ có rất nhiều sự lựa chọn về công việc sau khi ra trường chứ không phải chỉ là sửa chữa ô tô, bạn có thể dễ dàng lựa chọn công việc mà bạn “cảm thấy” yêu thích như: Kỹ thuật viên ô tô, kỹ sư ô tô, cố vấn dịch vụ ô tô, kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện… hoặc thậm chí bạn cũng có thể làm nhân viên marketing, CEO….
Như các bạn thấy đấy, có rất nhiều lựa chọn khác nhau cho bạn sau khi ra trường.
+) Thiết lập những mối quan hệ với những người liên quan đến ngành của mình ở trên MXH, đời thường hoặc các diễn đàn hay khóa học của mình. Những mối quan hệ này có thể sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về ngành bạn đang học, hoặc có thể nghe thêm những câu chuyện thú vị về công việc sau khi ra trường. Và biết đâu đấy, bạn dần dần cảm thấy ngành này càng thú vị và hình thành “đam mê mới”.
+) Tìm hiểu sâu thêm về ngành ô tô, xác định mục tiêu và lên kế hoạch cho mục tiêu cuối cùng mà bạn đề ra để từng bước chinh phục nó.
+) Hãy cho rằng tất cả những môn mà bạn học đều giúp ích cho bạn sau này, kể cả môn triết học (kỹ năng ăn nói là 1 điều cực kỳ quan trọng, những người giàu thường rất giỏi về điều này).
+) Hãy cố gắng hết mình ở những năm ngồi trên ghế nhà trường để làm bàn đạp cho những bước đi sau này của bạn. Và hãy luôn luôn nghĩ trong đầu rằng “vất vả chịu khó 1 vài năm, còn hơn chênh vênh cả cuộc đời”.
+) Quan trọng hơn hết, hãy nghĩ tới gia đình và tương lai, lấy đó làm động lực để bạn có gắng hơn từng ngày.
>>> Xem thêm: Hành trang dành riêng cho sinh viên muốn theo cố vấn dịch vụ
Cuộc sống của bạn sau này như thế nào để do những hành động nhỏ nhặt của bạn bây giờ quyết định.
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây, mình sẽ tiếp tục viết 8 chiến lược còn lại trong thời gian ngắn nhất. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn.
Trân trọng!
Bài viết chia sẻ của Anh Nguyễn Thanh Đàm – Otohui – Edit VATC
Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam VATC
Điện thoại: 0945711717