GIẤC MƠ Ô TÔ “MADE IN VIỆT NAM” VÀ CƠ HỘI GHI TÊN TRÊN BẢN ĐỒ XUẤT KHẨU Ô TÔ THẾ GIỚI

Phát triển ngành công nghiệp ô tô là mong muốn của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đi đầu, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, năng lực khoa học công nghệ, đồng thời có tính biểu tượng cao về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mức độ phát triển của nền kinh tế.

“Bức tranh” còn dang dở

Giấc mơ xe ô tô “made in Việt Nam” từ lâu là khao khát của bao thế hệ người Việt. Đặc biệt hơn là “giấc mơ” không chỉ lắp ráp ô tô mà còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, điều mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực khiến “bức tranh” ngành công nghiệp ô tô Việt vẫn còn thiếu những “mảng màu”.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực tế đã bắt đầu phát triển cách đây hơn 20 năm. Nếu so với các nước khác trong khu vực thì Việt Nam muộn hơn khoảng hơn 30 năm. Những viên gạch đầu tiên của ngành chính thức được “đặt” vào năm 1991 trong khi các nước khác đã rất phát triển. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho Việt Nam. Làm sao để cạnh tranh, làm sao để phát triển, làm sao vươn ra biển lớn? Đó là những câu hỏi mà ngành công nghiệp ô tô Việt phải đối mặt những năm qua.

Đến năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm: Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn; Phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Phát triển công nghiệp ôtô trên cơ sở bình đẳng giữa sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường; Phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trải qua một thời gian dài nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ phát triển khá nhanh trong 3 năm trở lại đây.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 2018 đến 2020, năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe; Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 và năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892. 

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế đối với xe dưới 9 chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ trên thực tế đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (khoảng 50% đối với xe tải nhẹ và trên 60% đối với xe khách), đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa. Trong đó, một số loại sản phẩm (xe khách, xe con do Thaco sản xuất, lắp ráp) đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…  Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.  

Tuy nhiên, trước sự phát triển của thế giới và trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng ở trong nước vẫn phát triển phân tán rời rạc, mối quan hệ giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng vẫn còn rất lỏng lẻo. Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn hạn chế. Những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã khiến ngành ô tô của Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng.

Mới đây, trước sự thay đổi của thế giới và thực tế của ngành công nghiệp ô tô Việt, ngày 10/8, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp, cần thiết với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.

Việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế, đồng thời là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới?

Thực tế ngành công nghiệp ô tô thế giới cho thấy muốn đạt thành công thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường lớn. Không doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại chỉ tập trung mỗi thị trường nội địa mà phải hướng tới xuất khẩu, qua đó tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhìn lại trong quá khứ, sau khi Việt Nam có những “viên gạch đầu tiên” cho ngành ô tô, vào năm 2004, hai công ty là ô tô Trường Hải và ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cùng được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Đầu năm 2004, Vinaxuki đã tiến hành xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về giảm xuống còn 0%, nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe không xuất khẩu được. Điều này có thể dẫn đến tương lai gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Để bắt kịp xu thế, Vinaxuki đã tiếp tục đầu tư cho các dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. Nhưng đáng tiếc là tham vọng này chỉ đi được nửa chặng đường do các gánh nặng nợ nần chồng chất và chiến lược sai lầm khiến Vinaxuki mất khả năng hoạt động kinh doanh. Từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lại “sống khỏe”.

Còn Trường Hải, công ty ô tô của ông Trần Bá Dương, sau thời gian dài vẫn trung thành với mảng kinh doanh chính là liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô của các thương hiệu lớn như Mazda, Kia, Peugeot … tại Việt Nam. Với kinh nghiệm mấy chục năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đến nay đang là một tên tuổi lớn trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô trên thế giới.

Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) được thành lập năm 1997, từ một công ty nhỏ kinh doanh chủ yếu là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô. Năm 2001, Thaco tiến hành đầu tư một nhà máy lắp ráp ô tô tại khu Công nghiệp Biên Hòa 2. Dây chuyền sản xuất và công nghệ do Tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) chuyển giao, các sản phẩm được sản xuất lắp ráp là xe tải nhẹ và xe bus mang thương hiệu Kia. Tháng 9/2001, sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng mang tên Thaco đã được thị trường chấp nhận và luôn kín đơn đặt hàng.

Với tham vọng phải phát triển quy mô sản xuất đủ lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: Toyota, Mitsubishi, Honda… năm 2003 chính là bước ngoặt của Thaco khi quyết định từ bỏ những gì vừa xây dựng ở Biên Hòa để dời nhà máy về Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai – Trường Hải chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2003.

Thaco được hưởng nhiều ưu đãi thuế mà ít doanh nghiệp có được (5% cho 9 năm hoạt động đầu tiên từ 2004-2012 và 10% cho 15 năm sau đó).

Từ năm 2004, Thaco đã nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus, đồng thời liên tục đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động R&D, nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, có thể nói Thaco là nhà sản xuất xe bus hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm đa dạng, được thiết kế theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và đã cung cấp cho thị trường hơn 17 ngàn xe bus (từ 2005 đến nay), chiếm 65% thị phần.

Từ năm 2017 đến nay, Thaco và Auto Delta (Philippines) đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường Philippines để thiết kế và phát triển sản phẩm xe bus theo yêu cầu của khách hàng. Ngày 16/5/2019, Thaco đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất khẩu sang Philippines để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng đón nhận, hài lòng về chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, mới đây công ty TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai với công suất lên đến 100.000 xe/năm. Tại khu vực ASEAN, Hyundai hiện chỉ có một nhà máy tại Indonesia. Do đó, TC MOTOR hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu một số dòng xe sang nhiều quốc gia trong khối. Khi tỷ lệ nội địa hoá của các dòng xe bán chạy như Grand i10, Accent đạt mức 40%, TC MOTOR có thể xuất khẩu xe sang các nước ASEAN hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định AFTA

VinFast VF 8 xuất khẩu sang Mỹ đánh dấu một bước ngoặt mới của ngành ô tô Việt.

Mới đây nhất, sự kiện VinFast chính thức bấm nút xuất khẩu 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ, thị trường khó tính hàng đầu trên thế giới, một lần nữa đã tiếp tục thổi bùng “giấc mơ” xe ô tô Việt vươn ra biển lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam trong thời gian gần đây và nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu xe về bán trong nước, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Được triển khai trên khu đất rộng 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), chỉ sau hơn một năm kể từ ngày khởi công, tổ hợp nhà máy VinFast đã thành hình, đa số nhà xưởng đã hoàn thiện và đang lắp ráp dây chuyền sản xuất.

Tổ hợp nhà máy VinFast là một khu phức hợp với nhiều hạng mục, công trình phục vụ cho việc điều hành và sản xuất ô tô, xe máy điện, trong đó bao gồm nhà điều hành, khu nhà sản xuất xe máy điện, khu nhà sản xuất ô tô, khu công nghiệp phụ trợ, trung tâm đào tạo và viện nghiên cứu và phát triển R&D. 

Cả nhà máy sản xuất ô tô và nhà máy sản xuất xe máy điện đều có công suất thiết kế 38 xe/giờ. Theo tiết lộ của VinFast, vào giai đoạn 1, mỗi nhà máy sẽ sản xuất 250.000 xe/năm và 500.000 xe/năm vào giai đoạn 2. Riêng nhà máy sản xuất xe máy điện có thể nâng lên 1 triệu xe/năm.

Đối với xe buýt điện là 3.000 xe/năm và xe máy điện là 250.000 xe/năm trong giai đoạn 1 và 500.000 xe/năm trong giai đoạn 2, có thể lên tới 1 triệu xe.

Thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam cũng đã hợp tác với một số nhà cung cấp thiết bị nổi tiếng để đảm bảo quy trình sản xuất của nhà máy sẽ có sẵn khi sản phẩm đã chuẩn bị sẵn sàng.

Những chiếc xe VinFast đầu tiên lên tàu đến Mỹ.

Trong sự kiện xuất khẩu 999 chiếc VinFast VF 8 đầu tiên sang thị trường Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt, là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt chính thức góp mặt vào thị trường ô tô toàn cầu. VinFast dù đi sau trong lĩnh vực sản xuất ô tô trên thế giới, nhưng có một lợi thế rất lớn là đã nhanh chóng tiếp cận ngay các công nghệ mới nhất, tự động hoá nhất, thông minh nhất, cách tiếp cận khách hàng khác biệt nhất cùng với việc tập hợp được nhiều nhân tài toàn cầu cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện VinFast xuất khẩu 999 chiếc VinFast VF 8 tới Mỹ.

“VinFast đến từ 21 quốc gia trên thế giới, với các dòng xe điện thông minh sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt sẽ lăn bánh đến khắp nơi trên thế giới và chúng ta hy vọng những chiếc xe điện thông minh sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt sẽ được khách hàng quốc tế đón nhận, ưu tiên lựa chọn và hài lòng với sản phẩm mang thương hiệu Việt”, Thủ tướng đánh giá.

Hay theo Đại sứ Marc Knapper – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngày VinFast xuất khẩu những chiếc xe điện đầu tiên vào thị trường Mỹ là một ngày rất trọng đại cho Việt Nam, cho Mỹ, cho mối quan hệ hợp tác cũng như tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nối bước những doanh nghiệp đi trước, bước ngoặt của VinFast vừa qua là bước đệm cần thiết, là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc và phần nào đã thành hiện thực để viết tiếp “giấc mơ” sản xuất ô tô Việt vươn tầm thế giới. Mặc dù so với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô còn khá nhỏ bé nhưng đánh giá trên phương diện tích cực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, dư địa lớn, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN vẫn là cơ hội lớn, doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cần tận dụng triệt để để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo VnEconomy

Ngành ô tô đang phát triển vượt bậc, gia nhập nghề sửa chữa ô tô ngay để năm 2023 không lo thất nghiệp, có ngay mức lương khủng.

Tham gia khoá học ngay tại đây: Khoá học sửa chữa ô tô toàn diện

admin_donaweb