Chia sẻ của một kỹ sư ô tô về tình trang sinh viên lựa chọn ngành nghề hiện nay: Chọn vì người thân, vì tính ổn định sau khi ra trường hay vì chọn “đại” vậy thôi…
Ra trường được 7 năm, tôi là một trong số ít người còn theo cái nghề “dầu nhớt” và bản thân hiện đang là người điều hành một doanh nghiệp trong lĩnh vực xe hơi, hàng năm phỏng vấn tuyển dụng hàng trăm sinh viên mới mới ra trường, nhìn vào chất lượng đầu ra mà không khỏi khỏi cảm thấy ngán ngẩm.
Mới gần đây, tôi có cơ hội thăm lại mái trường đại học tôi đã gắn bó và rất yêu quý nó, ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu tại TP.HCM. Tôi canh cánh trong lòng tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để thay đổi nhận thức về việc học tập cho các bạn sinh viên, khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường đại học”.
Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm từ những người đứng đầu
Đây có thể xem là tình trạng chung hiện nay: Doanh nghiệp thì đẩy trách nhiệm cho nhà trường, bởi vì đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp không có đủ khả năng để làm việc thực tế. Nhà trường lại đổ lỗi cho doanh nghiệp vì đòi hỏi quá cao, trong khi doanh nghiệp lại chưa thật sự hỗ trợ, giúp đỡ các thực tập sinh học hỏi được các kỹ năng một cách tốt nhất.
Các doanh nghiệp sau khi tiếp nhận các sinh viên thực tập chỉ mang tính chất hình thức, chứ thực sự trao cơ hội chưa cho các sinh viên để trở thành 1 nhân viên đúng nghĩa, thì những sinh viên đó làm sao có thể học hỏi được những kỹ năng thực tế.
Và câu chuyện “đùn đẩy trách nhiệm” cứ thế diễn ra, cuối cùng người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là những sinh viên sau khi ra trường.
Hiện nay, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm hay làm các công việc trái ngành là rất cao. Thế nhưng, để có thể thay đổi việc này không thể thực hiện trong một thời gian ngắn mà được, bởi vì đa số các sinh viên mới ra trường không thể đáp ứng được các yêu cầu đề ra của doanh nghiệp.
Chung quy lại, đó chính là kết quả của từ rất nhiều nguyên nhân, và chúng xuất phát từ 3 phía đó là: Nhà Trường – Sinh Viên – Doanh Nghiệp.
Cốt lõi về nhận thức của sinh viên
Nhưng theo suy nghĩ của bản thân tôi, mỗi sinh viên đều phải có nhận thức về thái độ và cách học tập của các bạn, tôi thấy cảm thấy bất lực cho những thầy cô dồn hết tâm huyết vào việc giảng dạy. Bên cạnh đó, cả nhà trường và doanh nghiệp đều có những điểm thiếu sót khiến việc đáp ứng được yêu cầu của các bạn sinh viên sau khi ra trường chưa được như mong muốn.
Thực sự hiện nay các chương trình đào tạo từ nhà trường còn thiếu rất nhiều tính thực tế, khác xa với những trung tâm đào tạo nghề, điều này khiến những sinh viên không thể nắm bắt kịp các công nghệ liên quan đến ngành, và bản thân nhà trường cũng không đầu tư bồi dưỡng đào tạo thêm kiến thức thực tiễn.
Nhưng trong khi chờ những thay đổi từ phía nhà trường, bản thân các sinh viên cũng phải tự thay đổi suy nghĩ của bản thân minh trước. Nếu không thì cho dù chương trình đào tạo có tốt đến đâu, mà các bạn sinh viên không chịu cố gắng học hỏi, tiếp thu thì cuối cùng cũng chẳng đến đâu cả.
Sau khi ngồi tâm sự và đưa ra các câu hỏi cho các bạn sinh viên, tôi nhận thấy quá nhiều bạn chưa hình dung được công việc của mình sau khi ra trường, kể cả những bạn học năm cuối. Có rất nhiều bạn chọn cái ngành này không phải do sở thích hay đam mê, cũng có những người chẳng biết gì về ngành mình đang học cả.
Lý do khiến các bạn theo học thường là do gia đình khuyên nhủ, người thân góp ý, chọn ngành này sau khi ra trường dễ dàng xin việc, hay chọn ngành này sau khi ra trường đi làm không phải lo về kinh tế, cũng có những người vì chẳng biết chọn ngành gì nên chọn đại…v.v và rất nhiều lý do khác.
Học nhưng không xác định được tương lai nghề
Có nhiều bạn không xác định được mình muốn làm gì? Thích điều gì? Và thậm chí có những bạn theo học được ½ tổng thời gian học rồi mà vẫn chưa xác định được sau khi học xong ngành bản thân sẽ làm gì, ngành của mình ứng dụng vào việc gì và công việc như thế nào. Điều duy nhất trong suy nghĩ của các bạn là học để đạt điểm cao, hay chỉ đơn thuần chỉ là đủ điểm qua môn, không cần học lại.
Cũng bởi vì không thể định hướng được mục tiêu rõ ràng, nên việc học lúc này chỉ mang tính chất là đối phó, không hề có tính chủ động, chỉ học những điều mà thầy cô dạy chứ không hề tìm hiểu thêm những kiến thức, kỹ năng mở rộng khác, hay thậm chí là không thể tiếp thu được lượng kiến thức cơ bản mà thầy cô truyền tải.
Tình trạng đi học để đối phối, cúp tiết đi chơi hay nghỉ học đang là vấn đề diễn ra thường xuyên… Đương nhiên, cũng có rất nhiều bạn rất chuyên tâm vào chuyện học hành. Luôn cố gắng tiếp thu lượng kiến thức mà thầy cô giảng dạy, thậm chi là học đến đâu hiểu đến đó.
Nhưng cuối cùng sau khi tốt nghiệp và xin đi làm được một thời gian ngắn, các bạn lại quyết định nghỉ việc, thậm chí chuyển nghề, vì sao lại vậy? Bởi vì các bạn chưa thể đáp lại được những đòi hỏi mà các doanh nghiệp yêu cầu. Các bạn cứ cho rằng, bản thân chỉ cần học thật tốt những kiến thức trên trường là đủ, cầm được cái bằng tốt nghiệp loại giỏi – khá là ổn.
Các bạn cứ tự vẽ cho mình những viễn cảnh “tươi sáng” sau khi tốt nghiệp. Nhưng sau khi chính thức bước chân đi làm rồi các bạn mới “vỡ mộng”. Việc chỉ giỏi những điều cơ bản, trong công việc chỉ dậm chân tại chỗ, lương không tăng, bị sắp xếp làm ở những vị trí bản thân không muốn… Rất ít ai có thể ngờ được bản thân rồi sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy cả!.
Xem thêm: Khủng hoảng tâm lí sinh viên ô tô – hướng giải quyết
Trải nghiệm thực tế về nghề – của bản thân
Bản thân tôi từng học ngành Kỹ thuật ô tô, cũng ý thức tốt về việc học tập khi còn đang đi học và cũng chẳng chịu thua kém bất kỳ ai. Bản thân tôi nghĩ: “Chúng nó làm được, thì mình cũng làm được, nếu chúng nó làm được mà bản thân mình không làm được là do mình chưa cố gắng, là thua kém chúng nó”.
Thực tế chứng minh rằng, sự cố gắng của tôi đã được đền đáp với kết quả học tập rất tốt. Nhưng cuối cùng sau khi ra tốt nghiệp và đi làm, tôi cũng phải “ngậm đắng” như những bạn sinh viên mới ra trường hiện nay vậy.
Toàn bộ những kiến thức bản thân tôi học được trên nhà trường chẳng giúp ích được tôi bao nhiêu trong công việc, cũng có những cái mình nắm rõ mồn một nguyên lý hoạt động của nó, nhưng lại chẳng biết làm gì cả, bởi vì bản thân còn quá non về kỹ năng thực hành.
Đã thế sau khi ra trường còn “cày hơn trâu” mà lương chẳng thấm vào đâu, nghĩ lại mới thấy thời sinh viên sướng mà còn hay than.
Sau 2 năm đi làm, tôi thấy nhiều bạn học cùng lớp với mình bỏ nghề, ước chừng khoảng 60 – 70%. Nhưng với niềm đam mê về kỹ thuật sửa chữa và tình yêu dành cho công nghệ cùng với một mục tiêu rõ ràng, cuối cùng tôi cũng vượt qua được khoảng thời gian chẳng dễ dàng đấy, tôi trở thành một trong số những người ít ỏi trong lớp còn theo cái nghề “dầu nhớt”.
Thực sự đến bây giờ nghĩ lại, không hiểu tại sao lúc đó bản thân có thể vượt qua được quãng thời gian đấy.
Giờ đây, trên cương vị là nhà điều hành doanh nghiệp, đồng thời cũng làm công tác trong lĩnh vực đào tạo nên tôi là người phụ trách tuyển dụng nhân sự. Hàng năm tôi phỏng vấn hàng trăm bạn sinh viên mới ra trường, nhưng càng ngày bản thân lại càng cảm thấy xót xa, nghĩ lại bản thân mình nhiều năm về trước.
Thực tế thì cũng không thể đổ hết lỗi cho các bạn sinh viên. Việc này nhà trường phải cần có những khóa học định hướng cho sinh viên, đồng thời các bạn sinh viên cũng phải tự giác trong việc học tập, ý thức được tầm quan trọng trong việc tiếp thu thêm những kỹ năng mở rộng để đáp ứng những yêu cầu mà các doanh nghiệp tuyển dụng đề ra.
Tham khảo: Kinh nghiệm để tốt nghiệp có việc làm cho sinh viên ô tô
Doanh nghiệp cần gì ở nhân viên?
Vậy một doanh nghiệp yêu cầu gì ở nhân việc của họ, hay nói cách khác là họ đánh giá một nhân viên qua những điểm nào? Doanh nghiệp thường đánh giá nhân viên qua “năng lực”. Vậy “năng lực” ở đây là những điểm nào? Chúng ta có lẽ nghe rất nhiều về danh từ này, nhưng các bạn có thực sự hiểu rõ về danh từ này không!.
Năng lực được đánh giá qua 3 yếu tố: Kiến thức – Thái độ – Kỹ năng
Thực tế cho thấy, các trường đào tạo ngày nay thường chỉ tập trung vào việc truyền đạt “Kiến Thức” cho các bạn sinh viên, mà không hề đào tạo hay giảng dạy bất kỳ điều gì về “Thái Độ” và “Kỹ Năng”. Đây cũng là lời giải thích chính xác nhất cho câu hỏi vì sao các tỷ lệ các bạn sinh viên sau khi ra trường theo nghề ít đến vậy.
Vậy nhưng, nếu bạn là người hội tủ đầy đủ các yếu tố trên, thì đâu là điều để đánh giá bạn và đồng nghiệp của mình? Lúc này các doanh nghiệp sẽ sử dụng thang đo mức độ năng lực, gọi là “Đẳng Cấp”.
Xét về khía cạnh Kiến Thức: bạn là kỹ sư ô tô, bạn được dày và bạn có kiến thức về nguyên lý hoạt động các hệ thống trên xe ô tô, nhưng thực sự lượng kiến thức của bạn nằm ở mức độ nào?.
Xem thêm: Sinh viên ô tô – Các chiến lược “bán mình cao giá”
Bản thân tự đánh giá cấp độ trong nghề nghiệp của mình
Level 1: Bạn biết về những hệ thống đó, bạn được nghe về nó từ một ai đó hay bạn đã đọc các tài liệu về nó nhưng vẫn thực sự chưa “Hiểu” về nó cho lắm.
Level 2: Bạn “Hiểu” về nó, bạn có thể trình bày rõ ràng về cấu tạo, thông số kỹ thuật, vị trí, sơ đồ mạch điện, nguyên lý hoạt động của nhưng hệ thống đó… nhưng khi cho bạn thực hành tháo ráp, sửa chữa nó bạn lại không thể thực hiện được.
Level 3: Bạn biết – hiểu – ứng dụng được những kiến thức đó vào thực tế, hay hiểu cách khác là bạn có thể “Làm” được nó (yếu tố kinh nghiệm được đánh giá ở Level này – đó là bạn làm được điều đó trong khoảng thời gian bao lâu).
Tuy nhiên, cho dù bạn có hiểu được hệ thống đó hoạt động như thế nào, bạn có thể tháo ráp, kiểm tra và sửa chữa được các pan bệnh của nó trong thực tiễn. Nhưng bạn lại không thể phân tích và giải thích nguyên nhân dẫn tới hư hỏng như thế nào (hay còn gọi là năng lực “Phân tích vấn đề”, thì lúc này các doanh nghiệp sẽ chỉ đánh giá rằng bạn làm chúng theo thói quen, hoặc cũng có thể là bạn gặp may mà thôi).
Level 4: Bạn biết về nó, sửa chữa được các pan bệnh của hệ thống đó và bạn cũng có thể “Phân Tích” được nó (giải thích được vì sao lại dẫn tới hư hỏng, hay là nếu ra các khả năng dẫn tới vấn đề). VD: Nếu hiện tượng như thế này thì nguyên nhân có thể là do A, nếu hiện tượng như thế kia thì có thể là do B…
Level 5: Bạn có kỹ năng “Tổng Hợp”, có nghĩa là ngoài việc bạn có thể BIẾT – HIỂU – LÀM – PHÂN TÍCH được hệ thống này, trên dòng xe của Honda, bạn cũng có thể thực hiện được những việc tương tự những việc đó trên những dòng xe khác như Toyota, Kia, Hyundai, Ford, Audi, BMW…
Level 6: Bạn có khả năng “Sáng Tạo”, nghĩa là bạn đã rất am hiểu về các hệ thống đó trên xe, bạn có thể dễ dàng đánh giá những nhược điểm và ưu điểm của hệ thống đó. Sau đó bạn có thể thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm tương tự nhưng hoạt động hiệu quả hơn các hệ thống cũ.
Qua các Level trên, chắc hẳn bạn đã có thể đánh giá được “năng lực” của mình ở mức độ nào rồi chứ, bạn đã có thể nhận biết được bản thân cần phải rèn luyện thêm những kỹ năng nào để có thể đáp ứng được những điều kiện mà các doanh nghiệp đưa ra rồi chứ?.
Hy vọng, qua bài viết các bạn có thể định hướng được còn đường của mình, để có thể trở thành một người có năng lực toàn diện, qua đó đưa bản thân đến những thành công, đồng thời cũng là đóng góp được trí tuệ của mình vào việc xây dựng – phát triển cuộc sống xã hội.
Theo anh Đặng Văn Luyện
Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam VATC
Địa chỉ: số 50 đường 12, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM
Điện thoại: 0945711717
Email: info@oto.edu.vn