Hộp PCM là gì? Điểm khác nhau giữa PCM và ECM học viên ô tô cần biết

Thời gian qua có khá nhiều bạn sau khi xem tài liệu, hay sử dụng phần mềm chuẩn đoán Ford IDS và Mazda IDS có chung 1 thắc mắc: hộp PCM là gì, nó có điểm giống và khác nhau như thế nào so với hộp ECM? Bài viết sau sẽ giải đáp cho mọi người những khúc mắc về điều này, cùng VATC tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

1. Hộp PCM là gì?

PCM là viết tắt của Powertrain Control Module, có nghĩa là Mô-đun kiểm soát hệ thống truyền động. PCM chịu trách nhiệm điều khiển tất cả các chức năng liên quan đến hệ thống truyền động, bao gồm điều khiển hộp số và quản lý động cơ cũng như nhiều bộ phận khác của ô tô.

Hộp PCM và ECM

PCM thực hiện các chức năng như:

  • Giám sát các thông số: tốc độ động cơ, nhiệt độ nước làm mát, vị trí bướm ga.
  • Điều khiển các đầu ra: hệ thống phun xăng điện tử và bobin đánh lửa (bobine).

Vị trí cụ thể của PCM trên ô tô có thể thay đổi tùy theo từng hãng và dòng xe, tuy nhiên PCM thường được đặt ở khoang động cơ, hoặc dưới bảng điều khiển hay ẩn dưới gầm xe.

2. Hộp ECM là gì?

ECM là viết tắt của, Engine Control Module còn được gọi với cái tên phổ biến là hệ thống điều khiển động cơ. ECM đóng vai trò là một bộ vi xử lý điện tử chuyên dụng, có khả năng quản lý và điều khiển động cơ.

ECM hoạt động bằng cách tiếp nhận thông tin dữ liệu trực tiếp từ các thành phần khác nhau của động cơ như hệ thống làm mát, nạp khí, xả thải,… Dựa trên dữ liệu này, ECM đưa ra các lệnh điều khiển để kiểm soát thời điểm đánh lửa, áp suất cổng xả, vị trí bướm ga và thời điểm phun nhiên liệu.

Vị trí của hộp ECM thường được đặt phổ biến nhất trong khoang động cơ, hoặc số ít đặt dưới bảng điều khiển hay gầm xe.

3. Điểm khác biệt của PCM và ECM là gì?

Để có thể phân biệt được chính xác 2 hộp PCM và ECM thì chúng ta phải hiểu được ECU là gì?

Có khá nhiều hộp điện tử và Module điều khiển điện tử trên các hệ thống điều khiển ô tô ngày nay. Hệ thống điều khiển Module điện tử này có những ưu điểm như được lập trình trước, sau đó nhận các thông số vào từ cảm biến và điều khiển các cơ cấu động cơ thực hiện 1 cách đúng đắn.

Tham khảo thêm: Bộ điều khiển điện tử trên ECU

Tùy vào từng chế độ vận hành và điều kiện hoạt động của xe, ví dụ như hộp ECU điều khiển động cơ đúng với tỉ lệ hòa khí của từng chế độ hoạt động của động cơ. Ngoài ra, các Module điện tử này còn mang lại rất nhiều sự tiện nghi và thoải mái hơn cho người dùng như: hộp Smartkey giúp người lái khởi động xe chỉ bằng 1 nút bấm mà không cần khởi động bằng chìa khóa.

Những hộp này đều được gọi là hộp điều khiển điện tử ECU (Electronic Control Unit). Nhiều người có thể hiểu theo cách khác của từ ECU là Engine Control Unit có nghĩa là hộp điều khiển động cơ, những thuật ngữ này có khá ít người dùng tới.

Cụ thể một số hộp ECU trên xe như:

  • ECM: Hộp điều khiển động cơ – Engine Control Module.
  • PCM: Hộp điều khiển hệ thống truyền động – Powertrain Control Module.
  • TCM: Hộp điều khiển hộp số – Transmission Control Module.
  • BCM: Hộp điều khiển hệ thống điện ở thân xe – Body Control Module.
  • GEM: Hộp điều khiển nguồn chung của Ford – General Electrion Module.
  • DCU: Hộp điều khiển cửa – Door Control Unit.
  • ACU: Hộp điều khiển túi khí – Airbag Control Unit.
  • TCCM: Hộp điều khiển hệ thống gài cầu của Chevrolet – Tranfer Case Control Module.
  • PSCU: Hộp điều khiển hệ thống trợ lực lái bằng điện – Power Steering Control Unit.

Bảng so sánh điểm khác biệt của PCM và ECM

Tính năngHộp PCMHộp ECM
Vai tròChịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền động.Giám sát các đặc tính của động cơ và thực hiện các điều chỉnh.
Chức năngBên cạnh tất cả các chức năng của ECM, PCM còn có thể phối hợp với các cảm biến để điều khiển hộp số tự động.Chỉ kiểm soát thời điểm đánh lửa, làm mát động cơ, tỉ lệ phun nhiên liệu cảm biến A/F.
Phương pháp hoạt độngThu thập thông tin dữ liệu từ nhiều cảm biến khác nhau.Sử dụng thuật toán điều khiển động cơ.

Như các bạn có thể thấy ở trên, hộp PCM và ECM có công dụng khác biệt nhau hoàn toàn. ECM có chức năng là điều khiển động cơ. Trong khi đó, PCM điều khiển hệ thống truyền động cơ và hộp số bao gồm: động cơ, hộp số, ly hợp, các đăng…

Nói một cách ngắn gọn dễ hiểu thì hệ thống truyền động PCM bao gồm động cơ ECM và hộp số TCM cho nên:

ECM + TCM = PCM

Hộp số PCM sẽ thực hiện tất cả những điều khiển động cơ giống như 1 hộp ECM bình thường, bằng cách nhận tín hiệu từ những cảm biến động cơ và điều khiển như đánh lửa, phun dầu, phun xăng…

Ngoài ra, hộp PCM còn nhận thêm trách nhiệm điều khiển solenoid trong hộp số và nhận tín hiệu từ các cảm biến từ các động cơ, tải trọng, tốc độ, vị trí chân đạp ga và điều khiển vị trí bướm ga sao cho việc chuyển số diễn ra êm ái nhất.

4. Thuật ngữ PCM, TCM, ECM được các hãng xe sử dụng như thế nào?

Với các dòng xe châu Mỹ, châu Á

Thuật ngữ thường dùng trên các dòng xe Kia, Ford, Honda, Mazda, Hyundai.

Đa số các dòng xe của Hyundai và Kia đều tích hợp hộp số và điều khiển động cơ chung nên được gọi là PCM. Với những xe số sàn thì được gọi là ECM. Trừ một số trường hợp như các dòng xe hạng sang Genesis cần được tối ưu hộp số và điều khiển động cơ, nên phải tách rời 2 hộp khác biệt là hộp điều khiển hộp số TCM và hộp điều khiển động cơ ECM.

Biểu đồ dưới đây là vẽ sơ đồ hộp số PCM của dòng xe Hyundai Santafe MPI 2.4 đời 2010, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được PCM điều khiển cả hộp số và động cơ.

Sơ đồ hộp PCM trên Hyundai Santafe - VATC
Sơ đồ hộp PCM trên Hyundai Santafe.

Riêng đối với Mazda và Ford

Nhưng đối với dòng xe Mazda và Ford thì lại khác, hai hãng xe này dường như không bao giờ dùng đến thuật ngữ ECM. Hai hãng xe này gọi PCM là hộp điều khiển động cơ cho dù nó có được tích hợp hộp số hay không đi chăng nữa. Có nghĩa là cho dù đó là xe hộp số sàn (chỉ có mình hộp động cơ) vẫn sẽ được gọi là PCM giống như hộp số xe tự động.

Còn riêng với những dòng xe không tích hợp hộp động cơ và hộp số chung (tách rời) thì được gọi là PCM và TCM.

Với các dòng xe khác

  • Các dòng xe của Honda, thay vì để dễ dàng phân biệt PCM hay ECM thì hãng này luôn để ký hiệu là ECM/PCM. Vậy nên cho dù là số tự động hay xe số sàn đều được gọi chung là ECM/PCM. Đa số hãng xe này thường tích hợp 2 hộp vào một.
  • Đối với các dòng xe GM, Daewoo và Chevrolet hầu như không bao giờ tích hợp 2 hộp này vào 1, nghĩa là những hãng xe này luôn sử dụng 2 hộp riêng biệt ECM và TCM, giao tiếp với nhau nhờ mạng Can (Controller Area Network) và thuật ngữ PCM không được dùng đến.
  • Còn riêng dòng xe Lexus và Toyota, hai hãng xe này dường như không sử dụng thuật ngữ PCM và TCM. Hãng xe này cho dù có tích hợp 2 hộp lại với nhau hay không đi chăng nữa họ vẫn chỉ gọi hộp số đó là ECM hoặc Engine ECU.

Với các dòng xe châu Âu

Đa số các dòng xe ở châu Âu không tích hợp 2 hộp này vào chung với nhau, các hãng xe châu Âu luôn chú trọng tối ưu từng hộp số nên hầu như phải có 2 hộp tách biệt nhau. Cũng giống như bạn làm cả 2 việc cùng 1 lúc sẽ không bao giờ tốt bằng bạn chuyên tâm làm thực hiện từng công việc 1. Có lẽ vì điều đấy nên bản thân mình chưa từng nghe đến thuật ngữ PCM trên những dòng xe của châu Âu cả.

Xem hướng dẫn đọc sơ đồ mạch điện qua video sau:

Tham khảo ngay: Khóa học Kỹ thuật sửa chữa điện – điện tử ô tô chuyên nghiệp

Nói dễ hiểu thì PCM là hộp tích hợp cả hộp số và điều khiển động cơ, chỉ trừ dòng xe Mazda và Ford (cho dù có tích hợp hay không vẫn luôn sử dụng thuật ngữ này). Châu Á và Mỹ thường sử dụng thuật ngữ này và đa số chúng ta thường thấy ở những dòng xe thuộc phân khúc thấp để giảm bớt chi phí xe. Còn với những dòng xe hạng sang thường không sử dụng thuật ngữ này mà thường sử dụng 2 hộp riêng biệt và giao tiếp với nhau qua đường truyền CAN.

Hy vọng, với những chia sẻ trên của trung tâm VATC sẽ giúp bạn hiểu về hộp PCM là gì cũng như cách phân biệt PCM và ECM. Nếu còn thắc mắc vui lòng để lại thông tin trong bình luận hoặc liên hệ trực tiếp theo thông tin dưới đây để được tư vấn hoàn toàn miễn phí nhé!

Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam – VATC

  • Địa chỉ: Số 4-6, Đường số 4, Phường Hiệp Bình Phước, Thành Phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 0945711717
  • Email: info@oto.edu.vn
Đội ngũ chuyên gia VATC

Chúng tôi là những chuyên gia Nội dung & Truyền thông tại trung tâm VATC - mang đến cho bạn những Tin tức - Sự kiện mới nhất của trung tâm cũng như cập nhật các Kiến thức - Tài liệu chuyên ngành Ô tô hay nhất.